Chọn ngôn ngữ:   
  

Đừng để mất hình ảnh ngành chăn nuôi


Sử dụng chất cấm trong chăn nuôi không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người tiêu dùng mà còn ảnh hưởng đến các hộ chăn nuôi chân chính.

Thực trạng nhắm mắt chạy theo lợi nhuận của các hộ chăn nuôi sử dụng chất cấm trong thời gian qua đã gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh cho các nhà quản lý. Việc này không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người tiêu dùng mà còn ảnh hưởng đến các hộ chăn nuôi chân chính. Nghiêm trọng hơn, hình ảnh ngành chăn nuôi Việt Nam trong bối cảnh hội nhập rất có thể bị đánh mất bất cứ lúc nào nếu không giải quyết triệt để vấn đề này.

Sử dụng chất cấm trong chăn nuôi lầm xấu hình ảnh ngành chăn nuôi. Ảnh: TTXVN

"Con sâu làm rầu nồi canh”

Theo ông Nguyễn Xuân Dương, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), việc các hộ chăn nuôi chỉ vì lợi nhuận mà sử dụng chất cấm làm ảnh hưởng đến các hộ chăn nuôi chân chính. Đây chỉ là tình trạng "con sâu làm rầu nồi canh” nhưng đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến hình ảnh ngành chăn nuôi Việt Nam. Nguy hiểm hơn, nếu người tiêu dùng quay lưng lại với các sản phẩm chăn nuôi thì chính người chăn nuôi chân chính cũng không còn thị trường.

Bên cạnh đó, việc sử dụng chất cấm còn ảnh hưởng đến năng lực cạnh tranh của ngành chăn nuôi Việt Nam trong bối cảnh nước ta đang ngày càng hội nhập sâu rộng. Từ đó, các sản phẩm nhập ngoại sẽ chiếm lĩnh thị trường Việt Nam nếu không có các giải pháp kiểm soát tốt vệ sinh an toàn thực phẩm; trong đó có việc sử dụng chất cấm trong chăn nuôi.

Ông Dương cho rằng, thực tế hiện nay trong sản xuất chăn nuôi chúng ta đã có rất nhiều các mô hình tổ chức sản xuất kinh doanh theo chuỗi khép kín từ chuồng trại tới cửa hàng và bếp ăn đảm bảo cung cấp thịt, sữa, trứng chất lượng và an toàn cho người tiêu dùng.

Điển hình như chuỗi thịt lợn, thịt và trứng gia cầm của Công ty cổ phần CP, Tập đoàn DABACO, Visan, Masan…; các chuỗi về sữa của TH milk, Mộc Châu, Vinamilk… và đặc biệt là của các trang trại và hộ nông dân chăn nuôi áp dụng quy trình thực hành tốt trong chăn nuôi (VietGAP).

Đến nay, cả nước có hơn 100 trang trại chăn nuôi lớn và khoảng 9.037 hộ chăn nuôi đã được công nhận đạt chuẩn VietGAP. Do đó, chúng ta hoàn toàn có thể sản xuất ra những sản phẩm chăn nuôi an toàn phục vụ nhu cầu trong nước cũng như xuất khẩu.

Cơ bản kiểm soát tình hình

Ông Vũ Văn Việt, Chánh Thanh tra Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, sau một thời gian triển khai quyết liệt từ Trung ương đến địa phương, tình trạng sử dụng chất cấm trong chăn nuôi đến nay đã cơ bản được kiểm soát.

Thời điểm hiện tại, các hành vi sử dụng chất Salbutamol trong chăn nuôi lợn đang thuyên giảm và có hướng đẩy lùi. Trên thị trường hiện tại không còn hiện tượng bầy bán công khai các sản phẩm quảng cáo là "siêu tăng trọng, bông đùi, nở vai” có chứa Salbutamol.

Tình trạng sử dụng chất cấm trong chăn nuôi đến nay đã cơ bản được kiểm soát. Ảnh: TTXVN

 

Các chủ hộ chăn nuôi, các trang trại và gia trại đều được tuyên truyền và biết về tác hại của chất cấm nên cũng có động thái bài trừ các chất này. Bộ Y tế đang phối hợp với các cơ quan chức năng quản lý rất chặt nguồn nhập khẩu và cung cấp Salbutamol nên việc đưa sang chăn nuôi sử dụng sai mục đích đã bị triệt tiêu.

Bên cạnh đó, hầu hết các nhà máy sản xuất, gia công thức ăn chăn nuôi không còn sử dụng chất cấm trộn vào thức ăn chăn nuôi. Ở các tỉnh Phía Bắc từ sau Tết âm lịch qua kiểm tra chưa phát hiện được trang trại, lò mổ sử dụng chất cấm. Đối với các tỉnh phía Nam, vẫn phát hiện heo có tồn dư chất cấm nhưng với tỷ lệ thấp hơn nhiều so với thời gian trước.

Theo báo cáo của Chi cục Thú y Tp. Hồ Chí Minh, trong tháng 3, cũng chỉ phát hiện được 1,5% số mẫu nước tiểu nhiễm chất cấm. Rõ ràng, vấn đề sử dụng chất cấm trong chăn nuôi đã được kiểm soát tốt.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Xuân Dương cho rằng, mặc dù tình trạng sử dụng chất cấm trong chăn nuôi đã được kiểm soát ở mức độ an toàn, nhưng chưa bền vững. Nếu không duy trì việc kiểm soát quyết liệt và thường xuyên như hiện nay thì việc sử dụng chất cấm có thể bùng phát trở lại bất cứ lúc nào. Bởi chất cấm trong chăn nuôi không chỉ có chất Salbutamol và Vàng O mà còn có nhiều chất khác nữa.

Mặt khác, số lượng người tham gia chăn nuôi của nước ta còn rất nhiều hộ chăn nuôi nhỏ lẻ và không phải hộ nào cũng đủ điều kiện để thực hiện theo quy trình chăn nuôi an toàn.

Giải pháp lâu dài

Ông Nguyễn Xuân Dương cho rằng, một trong những giải pháp đột phá trong thời gian tới chính là việc Bộ Luật hình sự sửa đổi có hiệu lực từ ngày 1/7/2016; trong đó, hành vi sử dụng chất cấm trong chăn nuôi sẽ bị xử lý rất nặng. Điều này, giúp ngăn chặn và răn đe đối với cá nhân cố tình sử dụng chất cấm trong chăn nuôi.

Tuy nhiên, quan trọng nhất vẫn là tuyên truyền cho thấy tác hại của chất cấm trong chăn nuôi. Làm sao để tạo ra thói quen cho người chăn nuôi có chất cấm nhưng vẫn không sử dụng. Đồng thời, người tiêu dùng cũng phải biết tự bảo vệ mình, tẩy chay các sản phẩm không an toàn.

Chăn nuôi lợn theo tiêu chuẩn VietGap ở Thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: Mạnh Linh/TTXVN

Hiện, Cục Chăn nuôi đã phối hợp với các địa phương yêu cầu các chủ trang trại chăn nuôi ký cam kết không sử dụng chất cấm, đảm bảo yêu cầu theo tiêu chuẩn VietGAP. Đồng thời, vận động các doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi, thức ăn gia súc đồng hành cùng nhà nước, cam kết không sử dụng chất cấm.

Ngoài ra, các địa phương cần duy trì hoạt động kiểm soát chất cấm trong chăn nuôi ở tất cả các khâu từ sản xuất kinh doanh thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y, trong chăn nuôi và giết mổ gia súc, gia cầm; trong đó tập trung kiểm tra trọng tâm ở các sơ sở chăn nuôi trong giai đoạn vỗ béo, cơ sở giết mổ lợn, bò, gia cầm trong các chợ.

Chánh Thanh tra Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho rằng, cần rà soát, sửa đổi bổ sung kịp thời các văn bản quy phạm pháp luật làm hành lang pháp lý cho công tác quản lý và thanh tra, kiểm tra chất cấm, đảm bảo tính răn đe. Bên cạnh đó, huy động toàn bộ hệ thống chính trị vào cuộc đấu tranh với chất cấm; phối hợp đồng bộ giữa các bộ, ngành, địa phương hiệu quả. Ngoài ra, tăng cường công tác tuyên truyền, công bố những tổ chức, cá nhân vi phạm trên các phương tiện thông tin đại chúng để đảm bảo tính răn đe./.

Tác giả: Thành Trung

Ban Biên tập Tin Kinh tế

Nguồn tin: TTXVN/ Vietnam+



  Trở lại trang trước
2015 © Bản quyền thuộc về Công ty TNHH TM & SX Thuốc Thú Y THỊNH Á. Thiết kế bởi Tinh Hoa Việt.